Tai biến mạch máu não nhẹ là gì?
Tai biến mạch máu não nhẹ, hay còn gọi là cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, là tình trạng thiếu máu não tạm thời xảy ra trong một thời gian ngắn do lưu lượng máu lên não bị giảm hoặc gián đoạn, gây mất chức năng não một cách đột ngột.
Khác với đột quỵ, tai biến mạch máu não nhẹ thường xảy ra nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ, biến mất hoàn toàn trước 24 giờ và không để lại các di chứng lâu dài. Tuy nhiên, đây sẽ là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo rằng bạn có thể gặp phải một cơn đột quỵ thật sự trong tương lai.
Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan trước bệnh tai biến mạch máu nhẹ mà cần xử trí nó như một trường hợp khẩn cấp để tránh những biến chứng nguy hiểm mà bệnh có thể gây ra.
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não nhẹ
Tương tự như cơn đột quỵ do thiếu máu não cục bộ, cục máu đông cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tai biến mạch máu não nhẹ.
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não nhẹ 1
Cục máu đông là nguyên nhân phổ biến gây tai biến mạch máu não nhẹ
Nguyên nhân hình thành cục máu đông thường là do sự tích tụ chất béo có chứa cholesterol tạo thành các mảng xơ vữa tại thành mạch máu của bạn. Các mảng xơ vữa này có thể vỡ ra dẫn đến sự phát triển các cục máu đông ở bất cứ nơi nào trong cơ thể, thường gặp nhất là tim. Chúng sẽ di chuyển theo dòng máu đến các động mạch cung cấp máu cho não bạn và bị kẹt lại gây tắc nghẽn dòng máu tới não.
Khi dòng máu đến não bị cản trở, các tế bào não sẽ thiếu oxy, chất dinh dưỡng và không thể hoạt động như bình thường, gây ra các triệu chứng tai biến ở phần cơ thể được kiểm soát bởi các tế bào này. Sau một thời gian ngắn, cục máu đông trôi hoặc tan đi thì các triệu chứng này sẽ biến mất.
Bên cạnh đó, các mảng xơ vữa nếu hình thành ngay tại động mạch cung cấp máu cho não cũng có thể khiến lòng mạch bị hẹp lại làm giảm lưu lượng máu lên não và gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua.
Các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu nhẹ
Tai biến mạch máu não nhẹ có thể xảy ra do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, một số trong đó có thể thay đổi, ngược lại, có những yếu tố mà bạn sẽ không thể kiểm soát được. Việc nhận biết mình có các yếu tố nguy cơ của bệnh hay không sẽ giúp bạn có các biện pháp thay đổi lối sống phù hợp nhằm phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi 1
Người cao tuổi có nguy cơ bị tai biến mạch máu não nhẹ cao hơn so với người trẻ tuổi
Dưới đây là các yếu tố gây tai biến mạch máu não nhẹ mà bạn không thể thay đổi. Tuy nhiên, việc biết mình có nguy cơ mắc bệnh có thể thúc đẩy bạn thay đổi lối sống để giảm các yếu tố nguy cơ khác.
Tiền sử gia đình: Trong gia đình bạn có người từng bị tai biến mạch máu não nhẹ hoặc đột quỵ.
Tuổi tác: Nguy cơ tai biến mạch máu não nhẹ sẽ tăng lên khi tuổi tác của bạn tăng lên, đặc biệt là sau 55 tuổi.
Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị tai biến mạch máu não nhẹ và đột quỵ cao hơn nữ giới.
Bệnh hồng cầu hình liềm.
Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát
Bạn có thể kiểm soát hoặc điều trị một số yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não nhẹ dưới đây:
➤ Tình trạng sức khỏe
Tăng huyết áp.
Cholesterol máu cao.
Bệnh tim mạch.
Bệnh động mạch cảnh.
Bệnh động mạch ngoại vi (PAD).
Bệnh đái tháo đường.
Thừa cân, béo phì.
➤ Lối sống sinh hoạt
Người hút nhiều thuốc lá.
Lười vận động, hoạt động thể chất.
Chế độ ăn uống không khoa học.
Uống rượu nhiều.
Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ trên không có nghĩa là bạn sẽ bị tai biến mạch máu não nhẹ, nhưng nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên nếu bạn có từ hai yếu tố trở lên.
Dấu hiệu nhận biết sớm tai biến mạch máu não nhẹ
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết sớm cơn tai biến mạch máu não nhẹ tương tự như các dấu hiệu của một cơn đột quỵ thực sự và có thể được ghi nhớ nhanh với cụm từ “FAST”:
Face – Khuôn mặt: Khuôn mặt của người bệnh có thể bị xệ xuống, người đó có thể không cười được hoặc miệng hay mắt của họ có thể bị sụp xuống.
Arm – Cánh tay: Người bị tai biến mạch máu não nhẹ có thể bị yếu, tê liệt tay, chân. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu họ giơ cả 2 tay lên và giữ chúng ở một vị trí xem có gặp khó khăn không, cánh tay có bị rơi xuống hay không.
Speech – Giọng nói: Người bệnh có thể bị nói ngọng, nói lắp bắp, bị cắt xén hoặc có thể không hiểu lời bạn nói. Hãy kiểm tra bằng cách yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản xem họ có hiểu không, có lặp lại được và giọng nói có gì bất thường không.
Time – Thời gian: Nếu bạn nhận thấy bản thân hoặc người bên cạnh có các dấu hiệu trên, hãy gọi cấp cứu 115 ngay lập tức.
Dấu hiệu nhận biết sớm tai biến mạch máu não nhẹ 1
Dấu hiệu nhận biết sớm tai biến mạch máu não nhẹ
Bên cạnh đó, ngoài những triệu chứng tiêu biểu trên, khi bị tai biến mạch máu não nhẹ, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
Mất thăng bằng, chóng mặt hoặc mất khả năng phối hợp động tác.
Rối loạn thị giác ở một hoặc cả hai bên mắt, nhìn mờ, nhìn đôi.
Đau đầu đột ngột, dữ dội.
Khó nuốt.
Không thể di chuyển toàn bộ một bên cơ thể.
Các triệu chứng chính xác của một cơn tai biến mạch máu não nhẹ sẽ phụ thuộc vào vùng não đang bị tổn thương của bạn. Nếu bạn đã gặp nhiều hơn một cơn tai biến mạch máu não nhẹ, triệu chứng giữa mỗi lần có thể sẽ không giống nhau.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng của cơn tai biến mạch máu não nhẹ sẽ giúp bạn có biện pháp xử trí đúng và kịp thời nhất, tránh được các biến chứng nguy hiểm sau này. Thâm chí, điều này càng đặc biệt quan trọng hơn nếu bạn hoặc người thân trong gia đình thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị tai biến mạch máu não nhẹ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường hoặc cao huyết áp.
Tai biến mạch máu não dạng nhẹ có nguy hiểm không?
Ban đầu, tai biến mạch máu não nhẹ thường chỉ có các triệu chứng nhẹ, không gây nhiều tổn thương. Thế nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một cơn tai biến mạch máu não nặng với nguy cơ tử vong rất cao (chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch), nếu người bệnh may mắn thoát khỏi “cái hố tử thần” thì sau đó có thể sẽ gặp phải những di chứng nặng nề suốt đời.
Đa phần các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nhẹ thường tự phục hồi một cách nhanh chóng nên chủ quan không đi khám bệnh. Tuy nhiên, điều này là sai lầm lớn và cực kỳ nguy hiểm đối với người bệnh. Nếu bệnh không được theo dõi và điều trị kịp thời theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, thiếu máu não và gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau:
Có khoảng 10% -15% người bị bệnh sẽ bị đột quỵ trong vòng 3 tháng. Trong số đó, sẽ có một nửa nhóm xảy ra tình trạng đột quỵ sau khi bị tai biến nhẹ khoảng 48 giờ đồng hồ.
Trong trường hợp thiếu máu cao, sẽ có thể dẫn đến tình trạng hôn mê sâu và để lại các di chứng nặng như liệt bán thân, rối loạn nhận thức hoặc thậm chí gây tử vong.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ? 1
Bạn cần gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy mình hoặc người thân có các dấu hiệu tai biến mạch máu não nhẹ
Tai biến mạch máu não nhẹ và đột quỵ có các triệu chứng ban đầu tương đối giống nhau. Do đó, ở giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể sẽ không phân biệt được mình đang bị tai biến mạch máu não nhẹ hay đột quỵ thực sự. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của tai biến mạch máu não nhẹ, bạn cần gọi cấp cứu 115 ngay lập tức để được hỗ trợ y tế kịp thời.
Ngay cả khi các triệu chứng của tai biến mạch máu não nhẹ đã biến mất trong khi bạn đang chờ xe cấp cứu, bạn vẫn cần phải nhập viện để được thăm khám và đánh giá. Ngoài ra, nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đã bị tai biến mạch máu não nhẹ trước đó, nhưng các triệu chứng đã biến mất và bạn đã không được hỗ trợ y tế vào thời điểm đó, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để thăm khám về tình trạng của mình.
Trong các trường hợp này, bạn có thể sẽ cần mô tả lại các triệu chứng mình hoặc người bên cạnh đã gặp phải để hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Vì vậy, bạn hãy cố gắng ghi nhớ biểu hiện, triệu chứng của bệnh cũng như thời gian xảy ra chúng nếu có thể.
Tai biến mạch máu não nhẹ thường xảy ra vài giờ hoặc vài ngày trước khi bạn gặp một cơn đột quỵ thực sự. Do đó, việc cấp cứu y tế khẩn cấp sau khi tai biến mạch máu não nhẹ xảy ra là điều vô cùng cần thiết. Việc đánh giá kịp thời tình trạng sức khỏe và nguy cơ của cơ thể sẽ giúp bác sĩ xác định biện pháp điều trị và phòng ngừa tốt nhất cho bạn để giảm nguy cơ đột quỵ xảy ra trong tương lai.
Điều trị tai biến mạch máu não nhẹ như thế nào?
Điều trị tai biến mạch máu não nhẹ như thế nào? 1
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường được điều trị bằng các loại thuốc ngăn ngừa cục máu đông
Tai biến mạch máu não nhẹ diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng vài phút nên bạn không cần phải làm gì quá nhiều để điều trị triệu chứng của nó. Các triệu chứng này thường sẽ tự biến mất rất nhanh, thậm chí ngay trước khi xe cấp cứu đến. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong quá trình điều trị tai biến mạch máu não nhẹ là làm thế nào để ngăn chặn một cơn tai biến mạch máu não nhẹ khác và cơn đột quỵ trong tương lai.
Việc điều trị phòng ngừa sớm bệnh đột quỵ sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ đột quỵ thực sự ở bệnh nhân tai biến mạch máu não nhẹ, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao như người trên 60 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn ngôn ngữ, liệt nửa người kéo dài trên 60 phút.
Điều trị tai biến mạch máu não nhẹ sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn. Phương pháp được sử dụng đầu tiên thường là dùng thuốc giúp ngăn ngừa cục máu đông. Tùy thuộc vào vị trí xảy ra cục máu đông, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn loại thuốc phù hợp nhất.
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tai biến mạch máu não nhẹ là:
Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Aspirin, Aggrenox, Clopidogrel (Plavix).
Thuốc chống đông máu: Heparin (chống đông máu trong thời gian ngắn), Wafarin,…
Các loại thuốc điều trị bệnh lý khác: Nếu bác sĩ phát hiện bạn đang có một vấn đề sức khỏe khác làm tăng nguy cơ đột quỵ, bạn có thể được yêu cầu sử dụng thuốc để kiểm soát tình trạng đó. Ví dụ như thuốc hạ huyết áp để kiểm soát tăng huyết áp, thuốc điều trị cholesterol máu cao (statin).
Các loại thuốc trên đều có dược tính mạnh và có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn hoặc tương tác với các thuốc khác. Do vậy, trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe để kịp thời báo cáo cho bác sĩ các phản ứng bất thường nếu có.
Trong một số trường hợp, nếu tình trạng bệnh nặng hơn, bạn có thể cần phải thực hiện phẫu thuật.
Biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não nhẹ
Biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não nhẹ 1
Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não nhẹ
Hiểu rõ và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não nhẹ cùng với việc thực hiện lối sống lành mạnh là phương pháp tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa bệnh tai biến mạch máu não nhẹ. Dưới đây là các biện pháp thay đổi lối sống mà bạn có thể thực hiện dễ dàng tại nhà để phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não nhẹ cũng như các bệnh lý tim mạch khác:
Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều các loại rau củ và trái cây, hạn chế ăn các thức ăn chế biến sẵn, thức ăn chứa nhiều đường, cholesterol, chất béo bão hòa vàchất béo chuyển hóa.
Hạn chế ăn mặn: Giảm lượng muối ăn xuống 5g/ ngày (tương đương với 1 thìa cà phê muối) và thấp hơn nữa nếu bạn bị tăng huyết áp.
Ngủ đủ giấc (7 – 8 tiếng mỗi ngày) và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng, stress.
Hạn chế uống rượu bia.
Giữ thói quen tập thể dục thường xuyên: Bạn nên duy trì tập thể dục 30 – 40 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần với các hoạt động cường độ trung bình như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu,…
Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì.
Ngừng hút thuốc lá và tránh tiếp xúc nhiều với khói thuốc.
Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Trên đây là những thông tin về bệnh tai biến mạch máu não nhẹ mà bạn đang quan tâm. Tai biến mạch máu não nhẹ không để lại những biến chứng nặng nề ngay lập tức nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý đột quỵ nguy hiểm hơn trong tương lai. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan trước bệnh và cần quan tâm hơn đến việc phòng ngừa bệnh ngay từ hôm nay để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình.